Giảm tỉ lệ hộ nghèo là một trong những thước đo quan trọng trong việc cải thiện đời sống người dân. 10 năm tập trung phát triển nông thôn, huyện Nhà Bè được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM) của TP.Hồ Chí Minh.

Giảm nghèo đi đôi với xây dựng nông thôn mới

Ông Trần Văn Mùa, nông dân nuôi tôm ở xã Hiệp Phước nhớ lại, trước khi thực hiện NTM, đời sống và thu nhập của dân địa phương còn nhiều khó khăn, hệ thống trường, trạm thì thiếu thốn. Nhiều người dân vẫn phải sử dụng nước giếng hoặc nước từ các nguồn khác chưa đảm bảo vệ sinh. Nhiều tuyến đường giao thông trong vùng thường xuyên bị lầy lội, ngập nước vào mùa mưa hoặc khi thủy triều lên.

Nhất là không có ngành nghề truyền thống, lại thiếu kiến thức kỹ thuật về quy trình nuôi trồng, nông dân gặp không ít khó khăn trong việc cải thiện thu nhập. “5 năm trước, nghề nuôi tôm nước lợ phát triển nhanh nhưng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, lợi nhuận thấp”, ông Mùa kể.


Thực hiện việc hỗ trợ nông dân chuyển dần sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng NTM theo tiêu chí đặc thù vùng nông thôn TP.HCM, UBND xã Hiệp Phước đã vận động nông dân thực hiện việc chuẩn hóa kiến thức, áp dụng quy trình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Tag: nuôi tôm sú thâm canh

Đến năm 2016, HTX nông nghiệp Hiệp Thành do ông Mùa làm giám đốc được thành lập. Từ đó, năng suất nuôi tôm của nông dân từ 3 - 4 tấn đã tăng dần lên 12 - 20 tấn/ha/năm và có chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Toàn xã Hiệp Phước còn có 2 tổ hợp tác nuôi tôm với gần 30 thành viên đang hoạt động rất hiệu quả.

Ông Mùa kể, cùng với việc cải thiện hệ thống giao thông nông thôn, việc giao thương hàng hóa nông sản cũng được cải thiện rõ rệt. Thống kê của UBND xã cho biết, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã năm 2018 đạt gần 50 triệu đồng, tăng 2,5 lần so với khi xây dựng NTM; hộ nghèo toàn xã hiện còn dưới 1% tổng số hộ dân.

Ngụ cùng xã, ông Nguyễn Văn Xuân, chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi Năm Xuân ở ấp 2 cho biết, theo sự vận động của chính quyền địa phương, ông đứng ra tổ chức bán chịu thức ăn cho nông dân nuôi tôm trong vùng. Số lượng mua chịu mỗi vụ có thể lên đến 70 – 80 hộ, tương đương số vốn hơn 1 tỷ đồng.

Việc bán chịu như thế gặp nhiều rủi ro, nếu chẳng may nông dân làm ăn thua lỗ thì chính đại lý như mình phải gồng gánh. Nhưng tính đến nay, chương trình đã thực hiện được hơn 8 năm. Ông Xuân tâm sự, đây là hình thức giúp nhau cùng vượt khó khi tình hình chăn nuôi tôm ngày càng gặp nhiều áp lực môi trường, thời tiết, cho tới giá cả thường xuyên biến động. Ông cũng không nhớ hết đã có không biết bao nhiêu lượt hộ dân được hỗ trợ để tiếp tục phát triển ngành nghề.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Nhà Bè còn thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ khác trong việc chuyển đổi ngành nghề, phát triển tiểu thủ công nghiệp để người dân vươn lên thoát nghèo. Ông Lâm Hồng Phát, ở xã Phước Kiển là một trường hợp thoát nghèo điển hình. Tag: bệnh trên tôm sú

Ông Phát vốn là bộ đội xuất ngũ. Năm 2014, sau khi hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, Quỹ xóa đói giảm nghèo thành phố hỗ trợ gia đình ông vay 30 triệu đồng để nhận gia công mặt hàng giẻ lau dầu, nhớt cho các tàu, thuyền. Nhờ đầu ra ổn định và được ký hợp đồng thực hiện lâu dài, gia đình ông Phát đã mở rộng sản xuất, thành lập tổ gia công tại nhà và vươn lên khá giả, con cái được học hành tử tế.

Đồng lòng vượt khó

Ông Nguyễn Kim Ngọc – Trưởng phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Nhà Bè thừa nhận, quá trình bắt đầu xây dựng NTM của huyện gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp. Năm 2010, toàn huyện có gần 4.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 21%. Quy hoạch của huyện theo hướng đô thị, lại không có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nên khó liên kết và mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Tuy nhiên, hoạt động của KCN Hiệp Phước và hệ thống cảng biển dần đi vào ổn định và phát triển, thu hút ngày càng nhiều lao động. Đây là cơ sở để huyện thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huyện ủy, Ban chỉ đạo NTM của huyện xác định muốn thay đổi bộ mặt nông thôn về chất thì phải vận động hộ nghèo tích cực tham gia học chữ, học nghề và giải quyết việc làm. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề khác, để tăng thêm thu nhập cho hộ nghèo.

Ông Ngọc cho biết, cách làm của huyện Nhà Bè là tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ về kinh tế - xã hội từ các ngành, các cấp; từ trực tiếp đến gián tiếp để giúp đỡ người hộ nghèo, hộ cận nghèo một cách thiết thực. Ngoài kinh phí nhà nước hỗ trợ thực hiện các chính sách an sinh xã hội; huyện huy động, vận động trên 10 tỷ đồng để thực hiện chương trình.

Hàng năm, huyện đã xét duyệt và giải ngân cho trên 500 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn làm ăn thông qua Quỹ Xóa đói giảm nghèo với số tiền trên 20 tỷ đồng/năm; thu hút 851 lượt lao động có việc làm tại gia đình tạo thêm thu nhập,.

Huyện Nhà Bè cũng đã phối hợp tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nghèo trên địa bàn, có chính sách tạo điều kiện cho lao động hoàn thành khóa học gắn liền với giải quyết việc làm. “Điều quan trọng là giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhận thức về chương trình xóa đói, giảm nghèo ngày càng tích cực hơn, và họ có ý thức tự vươn lên”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Thực tế chứng minh, việc xây dựng NTM đã tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện giảm nghèo bền vững; giúp cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện thoát nghèo căn cơ hơn. Qua 10 năm, dù chuẩn nghèo tăng lên theo từng giai đoạn nhưng số hộ nghèo vẫn giảm dần qua từng năm. Sự phát triển của Nhà Bè nâng lên rõ nét, kéo theo đó là sự thụ hưởng của chính người dân. Tag: bệnh thường gặp trên tôm sú

“Thành tựu lớn nhất trong 10 năm xây dựng NTM vừa qua chính sự chuyển biến trong nhận thức của từng người dân quyết tâm vượt khó. Việc thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, gắn với xây dựng NTM không chỉ đơn thuần về mặt an sinh xã hội, mà còn có ý nghĩa rất lớn về chính trị, kinh tế”, ông Ngọc đánh giá.

Nguồn: danviet.vn/nha-nong/huyen-nha-be-di-dau-trong-cong-tac-xoa-doi-giam-ngheo-1034369.html