Có nhiều công đoạn trong in ấn rất quen thuộc như cán màng, ép kim… nhưng cũng có những hiệu ứng không phải bất kỳ ai cũng để ý và biết. Chính vì thế , bài viết này nhằm cung cấp những thông tin cơ bản để mọi người dễ hình dung hơn khi chọn in ấn và thiết kế.
1. Cán màng
Chất liệu giấy phổ biến nhất trong in ấn ở Việt Nam là giấy couche. Bạn có thể tìm thấy giấy này ở hầu hết các flyer, brochure trên thị trường. Ưu điểm của nó là giá thành rẻ và cho một chất lượng in sắc nét, tuy nhiên vì nó quá phổ biến nên trở nên bình thường và nhàm chán. Thông thường, để bảo vệ chất lượng in, sau khi in ấn, lớp giấy này được cán qua 1 lớp màng, có thể là màng mờ, bóng hoặc cán gân để tạo bề mặt chất liệu. Kỹ thuật cán gân làm cho bề mặt giấy couche không còn trơn mà có nổi gân như giấy mỹ thuật. Dĩ nhiên hiệu quả chỉ dừng ở mức độ mô phỏng chứ không đẹp như dùng chất liệu giấy mỹ thuật được.
2. Ép kim
Kỹ thuật này cũng được dùng nhiều. Trên một ấn phẩm, người ta có thể ép kim phần logo hoặc phần chữ muốn nhấn mạnh. Ép kim không phải là in mà nó là kỹ thuật ép một lớp kim loại mỏng lên bề mặt giấy. Có nhiều màu kim loại để lựa chọn: trắng, vàng, đỏ, xanh… Bề mặt khi được ép kim sẽ óng ánh sắc kim vì thế trở thành điểm nhấn đặc biệt trên ấn phẩm.
3. Dập chìm / dập nổi
Giấy phải có định lượng tương đối dày mới có thể dập được và cũng tùy vào từng chất liệu giấy mà hoa văn có nổi rõ hay không. Không cần in nhưng hình ảnh vẫn hiển thị trên giấy, kỹ thuật này thích hợp với các loại giấy mỹ thuật có bề mặt xốp.
4.Phủ UV
Phủ UV là phủ lên bề mặt ấn phẩm một lớp màng mực UV. Có 2 kiểu làm là cán UV toàn phần (phủ lên toàn bộ bề mặt tờ giấy) và cán UV từng phần (chỉ phủ lên những chi tiết, hình ảnh đòi hỏi có hiệu ứng mà thôi). Phần được phủ UV sẽ trong suốt nhưng lại bóng bẩy khiến nó trở nên nổi bật dưới ánh sáng.
5. In màu pha
Một bản in offset được tạo thành từ 4 màu C(Cyan-xanh), M(Magenta-hồng), Y(Yellow-vàng), K(Black -đen). Sự kết hợp của 4 màu này tạo thành tất cả các màu sắc hiển thị trên ấn phẩm. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt theo yêu cầu về màu sắc của bộ nhận diện thương hiệu hoặc màu sắc có ánh nhũ, màu có chất dạ quang… Những màu này, hệ in CMYK không thể mô phỏng được nên phải dùng mực đã được pha sẵn để in. Gần đây, rất nhiều tạp chí cũng dùng cách này để làm nổi bật tên tạp chí trên kệ báo. Đối với một số nhãn sản phẩm, màu pha được in thêm để tránh giả mạo.
6. Cấn bế
Ở kỹ thuật này, người ta sẽ làm khuôn để bế thành phẩm thành hình theo ý muốn.Tuy nhiên, giấy phải đủ dày thì mới có thể bế sắt nét và đẹp.