Hóa chất bảo vệ thực vật khi được phun hay rải trên đối tượng một phần sẽ được đưa vào cơ thể động, thực vật. Qua quá trình hấp thu, sinh trưởng, phát triển hay qua chuỗi thức ăn, hóa chất bảo vệ thực vật sẽ được tích tụ trong nông phẩm hay tích lũy, khuếch đại sinh học. Một phần khác sẽ rơi vãi ngoài đối tượng, sẽ bay hơi vào môi trường hay bị cuốn trôi theo nước mưa, đi vào môi trường đất, nước, không khí… gây ô nhiễm môi trường. Môi trường thành phần như đất, nước, không khí là một hệ thống hoàn chỉnh có sự tương tác và tương hỗ lẫn nhau. Sự ô nhiễm của môi trường này sẽ tác động đến môi trường xung quanh và ngược lại.

>>> Xem thêm: Vấn đề ô nhiễm môi trường


Các yếu tố ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường

Ô nhiễm môi trường nước từ thuốc bảo vệ thực vật


Theo chu trình tuần hoàn, hóa chất BVTV tồn tại trong môi trường đất sẽ rò rỉ ra sông ngồi theo các mạch nước ngầm hay do quá trình rửa trôi, xói mòn khiến hóa chất BVTV phát tán ra các thành phần môi trường nước. Mặt khác, khi sử dụng thuốc BVTV, nước có thể bị nhiễm thuốc trừ sâu nặng nề do người sử dụng đổ hóa chất dư thừa, chai lọ chứa hóa chất, nước súc rửa xuống thủy vực, điều này có ý nghĩa đặc biệt nghiêm trọng khi các nông trường vườn tược lớn nằm kề sông bị xịt thuốc xuống ao hồ. Hóa chất BVTV vào trong nước bằng nhiều cách: cuốn trôi từ những cánh đồng có phun thuốc xuống ao, hồ, sông, hoặc do đổ hóa chất BVTV thừa sau khi đã sử dụng, phun thuốc trực tiếp xuống những ruộng lúa nước để trừ cỏ, trừ sâu, trừ bệnh. Ô nhiễm nguồn nước do hóa chất BVTV cũng có nhiều hình thức khác nhau, từ rửa trôi thuốc từ các cánh đồng có chứa hóa chất BVTV, người sử dụng đổ hóa chất BVTV thừa, rửa dụng cụ ở các kênh mương hoặc do nuớc mưa chảy tràn từ các kho hóa chất BVTV tồn lưu.

Thuốc trừ sâu trong đất, dưới tác dụng của mưa và rửa trôi sẽ tích lũy và lắng đọng trong lớp bùn đáy ở sông, ao, hồ,…sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Thuốc trừ sâu có thể phát hiện trong các giếng, ao, hồ, sông, suối cách nơi sử dụng thuốc trừ sâu vài km. Mặc dù độ hoà tan của hoá chất BVTV tương đối thấp, song chúng cũng bị rửa trôi vào nước tưới tiêu, gây ô nhiễm nước bề mặt, nước ngầm và nước vùng cửa sông ven biển nơi nước tưới tiêu đổ vào.

Ô nhiễm môi trường đất từ thuốc bảo vệ thực vật

Đất canh tác là nơi tập trung nhiều dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật. Hóa chất bảo vệ thực vật đi vào trong đất do các nguồn: phun xử lý đất, các hạt thuốc bảo vệ thực vật rơi vào đất, theo mưa lũ, theo xác sinh vật vào đất. Theo kết quả nghiên cứu thì phun thuốc cho cây trồng có tới 50% số thuốc rơi xuống đất, ngoài ra còn có một số thuốc rải trực tiếp vào đất. Khi vào trong đất một phần thuốc trong đất được cây hấp thụ, phần còn lại thuốc được keo đất giữ lại. Thuốc tồn tại trong đất dần dần được phân giải qua hoạt động sinh học của đất và qua các tác động của các yếu tố lý, hóa. Tuy nhiên tốc độ phân giải chậm nếu thuốc tồn tại trong môi trường đất với lượng lớn, nhất là trong đất có hoạt tính sinh học kém. Những khu vực chôn lấp hóa chất bảo vệ thực vật thì tốc độ phân giải còn chậm hơn nhiều.


Ô nhiễm môi trường không khí từ thuốc bảo vệ thực vật

Khi phun thuốc bảo vệ thực vật, không khí bị ô nhiễm dưới dạng bụi, hơi. Dưới tác động của ánh sáng, nhiệt, gió… và tính chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có thể lan truyền trong không khí. Lượng tồn trong không khí sẽ khuếch tán, có thể di chuyển xa và lắng đọng vào nguồn nước mặt ở nơi khác gây ô nhiễm môi trường.

Rất nhiều loại hoá chất bảo vệ thực vật có khả năng bay hơi và thăng hoa, ngay cả hóa chất có khả năng bay hơi ít như DDT cũng có thể bay hơi vào không khí, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm nó có thể vận chuyển đến những khoảng cách xa, đóng góp vào việc ô nhiễm môi trường không khí.

Ảnh hưởng của hóa chất bảo vệ thực vật lên con người và động vật

Ngoài tác dụng diệt dịch bệnh, các loại cỏ và sâu bệnh phá hoại mùa màng, dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật cũng đã gây nên các vụ ngộ độc cấp tính và mãn tính cho người tiếp xúc và sử dụng chúng, và cũng là nguyên nhân sâu xa dấn đến những căn bệnh hiểm nghèo.

Các độc tố trong hóa chất bảo vệ thực vật xâm nhập vào rau quả, cây lương thực, thức ăn gia súc và động vật sống trong nước rồi xâm nhập vào các loại thực phẩm, thức uống như: thịt cá, sữa, trứng,… Một số loại hóa chất bảo vệ thực vật và hợp chất của chúng qua xét nghiệm cho thấy có thể gây quái thai và bệnh ung thư cho con người và gia súc. Con đường lây nhiễm độc chủ yếu là qua ăn, uống (tiêu hóa) 97,3%, qua da và hô hấp chỉ chiếm 1,9% và 1,8%. Thuốc gây độc chủ yếu là Wolfatox (77,3%), sau đó là 666 (14,7%) và DDT (8%).

>>> Xem thêm: Nguyên nhân ô nhiễm đất ở VN


Thông thường, các loại hóa chất bảo vệ thực vật xâm nhập vào cơ thể con người và động vật chủ yếu từ 3 con đường sau:

– Hấp thụ xuyên qua các lỗ chân lông ngoài da;

– Đi vào thực quản theo thức ăn hoặc nước uống;

– Đi vào khí quản qua đường hô hấp.