“Đa phương tiện” - Multimedia đang là một khái niệm thời thượng trong nhiều lĩnh vực đời sống hiện đại, đặc biệt là ở những sản phẩm điện tử công nghệ cao như máy tính, TV, giàn âm thanh, máy nghe nhạc bỏ túi hay điện thoại di động. Vậy, một cách chính xác, multimedia là gì?

Có thể bạn sẽ quan tâm : Tìm hiểu thêm về truyền thông đa phương tiện
Trước khi tìm hiểu khái niệm “multimedia”, hãy xem khái niệm “media” là gì? Thuật ngữ media từ lâu dùng để chỉ các thực thể như máy truyền thanh, máy truyền hình, nghĩa là không phải nói đến một vật mang thông tin đơn thuần, mà là một hệ thống tương đối phức tạp, có cơ cấu, có đối tượng truyền tải thông tin đó. Hình thức truyền thông trực tiếp phổ biến nhất là truyền miệng, nghĩa là thông tin được truyền đi qua giao tiếp, từ miệng người này đến tai người kia, không sử dụng thành phần trung gian. Media có mục đích là phát, truyền thông tin, không chỉ bằng cách nghe và nhìn. Với chữ nổi, để đọc được một người khiếm thị phải dùng tay sờ những ký hiệu dập nổi trên giấy. Một tấm thiệp điện tử có nhạc và mùi hương, đòi hỏi người nhận cùng lúc phải sử dụng thị giác, khứu giác và thích giác. Với những hình thức đó, chúng ta có thể nói đến một sự truyền thông đa phương tiện, hay multimedia.
So với khi mới xuất hiện vài năm trước đây, khái niệm “multimedia” cũng đã có nhiều thay đổi và đang được phát triển mạnh. Nhưng nhìn chung, có thể hiểu, “multimedia” hay “truyền thông đa phương tiện” là sự kết hợp của ngôn ngữ viết, ảnh, video, âm thanh, thiết kế đồ họa và các phương thức tương tác khác trên trang web nhằm truyền tải một câu chuyện/vấn đề một cách đa diện, mỗi hình thức thể hiện góp phần tạo nên câu chuyện thuyết phục nhất và đầy đủ thông tin nhất. Đối với ngành báo chí nói riêng, đặc biệt là báo điện tử và các kênh truyền hình trực tuyến, phóng sự đa phương tiện chính là tương lai của sự phát triển.

Sang đến thế kỷ 21, một cơ quan báo chí hiện đại không thể chỉ xuất bản một tờ báo giấy thông thường, cổ điển như trước kia. Một tờ báo giấy không thể thiếu sản phẩm báo điện tử đi kèm, và doanh thu từ bản điện tử này ngày càng lớn và đến được với độc giả trên toàn cầu. Các trang thông tin điện tử hàng đầu thế giới hiện nay như New York Times, Washington Post của Mỹ hay The Guardian của Anh đang cung cấp cho độc giả những câu chuyện vô cùng sống động và chân thực qua các phóng sự đa phương tiện. Những đề tài họ khai thác thường là về các vấn đề được nhiều người quan tâm như an ninh, môi trường, tệ nạn xã hội, các hoạt động văn hóa, giải trí, những điều kỳ lạ về cuộc sống…

Tại châu Âu và Mỹ, truyền thông đa phương tiện được công chúng đánh giá rất cao bởi nó được xây dựng một cách chuyên nghiệp mang tính thời sự, hiệu quả cao trong việc truyền tải thông tin và hình ảnh đến người xem. Đặc biệt tại Mỹ, sự cạnh tranh giữa các hãng truyền thông vô cùng khốc liệt. Các phóng viên ảnh nếu muốn giữ công việc một cách chắc chắn thì ngoài việc cung cấp những phóng sự ảnh truyền thống, họ cần phát triển thêm các kỹ năng như phỏng vấn, ghi âm, quay phim, hiệu đính âm thanh, hình ảnh video và thâm chí cả thiết kế đồ họa và flash. Truyền thông đa phương tiện đã giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của báo chí và truyền hình ở khả năng tiếp cận tới khán giả mọi nơi, mọi lúc và bằng mọi hình thức nghe nhìn có thể. Đây là một hình thức báo chí mới, được đánh giá là rất có tương lai ở châu Âu và Mỹ trong những năm tới. Ở châu Á, mọi sự vẫn đang ở giai đoạn mở đầu và việc phát triển hình thức truyền thông hiện đại này là một điều tất yếu ở châu lục đông dân nhất này.

Ông Bill Keller, tổng biên tập tờ New York Times, khẳng định “sự thật là cuộc chạy đua đa phương tiện đã bắt đầu và bạn sẽ nhanh chóng bị loại ra khỏi cuộc đua nếu như bạn không tăng tốc” (theo New York Times). Ông đã phát động một cuộc đua cho tất cả các nhân viên của mình. Từ các biên tập viên, phóng viên, nhà báo và những nhân viên quảng cáo cho tờ báo đều vào cuộc. Thay vì chỉ được đào tạo đơn giản để phỏng vấn, nghiên cứu, để viết bài, các nhà báo sẽ được đào tạo chéo, để có thể sử dụng thành thạo video, hình ảnh, audio và biết cách khai thác hiệu quả một đa phương tiện. New York Times đã chỉ ra rằng sẽ không còn sự phân biệt giữa các biên tập viên của báo in và báo điện tử. Những người làm báo cần phải tìm cách tiếp cận với truyền thông đa phương tiện để biến tờ báo của họ trở nên thực sự là một kênh truyền thông mạnh.

Bạn sẽ quan tâm :Thế nào là Truyền thông thương hiệu?