Khi mang thai, cơ thể mẹ có nhiều sự thay đổi, trong đó có những thay đổi làm tăng nguy cơ mắc các chứng viêm nhiễm gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và thai nhi. Mẹ nên biết về các bệnh nhiễm trùng thường gặp cùng triệu chứng tiêu biểu để sớm phát hiện và chữa trị kịp thời.
1.Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) là dạng nhiễm trùng khuẩn phổ biến nhất đối với phụ nữ mang thai. Một phần nguyên nhân là do nồng độ hormone progesterone trong cơ thể người phụ nữ tăng cao khi mang thai. Hormone này làm giãn đường tiết niệu, từ đó làm chậm dòng chảy của nước tiểu, tạo cho vi khuẩn có thêm thời gian để phát triển. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác trong thai kỳ cũng góp phần tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
Tình trạng nhiễm trùng này xảy ra khi vi khuẩn đường ruột di chuyển từ trực tràng vào niệu đạo và sinh sôi trong đường tiết niệu của thai phụ. Đôi khi tình trạng này còn gây ra nhiễm trùng bàng quang hay còn gọi là viêm bàng quang. Một số triệu chứng viêm bàng quang: đau, khó chịu hoặc rát khi đi tiểu, thường xuyên buồn tiểu, khó chịu vùng chậu hoặc đau bụng dưới, nước tiểu có thể đục và có mùi hôi.
Nếu nghi ngờ mình bị viêm bàng quang, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Viêm bàng quang không được điều trị sớm có thể dẫn đến viêm thận, khiến thai phụ ốm nặng và tăng nguy cơ sinh non. Không may nếu bạn bị viêm bàng quang, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để tránh cho bệnh nặng hơn, và đây phải là những loại thuốc an toàn cho thai phụ. Một điều cần lưu ý là thuốc kháng sinh có thể làm giảm các triệu chứng chỉ trong vài ngày nhưng bạn vẫn cần uống đủ liều để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn.
Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể phát triển trong niệu đạo mà không gây ra triệu chứng nào, do đó để chắc chắn, bác sĩ sẽ gửi mẫu nước tiểu của bạn đi xét nghiệm ở lần khám thai đầu tiên.
Đính kèm 2011
>>> xem thêm: viêm phụ khoa khi mang thai
2.Nhiễm khuẩn âm đạo
Viêm âm đạo do vi khuẩn (BV) là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục gây ra bởi sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn có sẵn trong âm đạo với số lượng nhỏ. Một số triệu chứng nhiễm khuẩn âm đạo có thể nhận thấy là dịch âm đạo loãng, màu trắng hoặc xám, có mùi hôi hoặc tanh. Nếu bạn bị nhiễm khuẩn, tình trạng này thường xuất hiện sau khi giao hợp. Phụ nữ bị nhiễm khuẩn âm đạo cũng có thể bị kích ứng da hoặc ngứa quanh âm đạo và âm hộ. Tuy nhiên, trên thực tế có tới hơn 50% phụ nữ bị BV không có triệu chứng nào rõ rệt.
Nhiễm khuẩn âm đạo làm tăng nguy cơ sinh non và vỡ màng ối sớm. Nếu bạn có các triệu chứng nhiễm khuẩn âm đạo hoặc có nguy cơ sinh non, bác sĩ của bạn sẽ kiểm tra hàm lượng vi khuẩn trong âm đạo và điều trị bằng kháng sinh nếu kết quả là dương tính.
3.Nhiễm nấm âm đạo
Nhiễm nấm âm đạo là bệnh nhiễm trùng âm đạo phổ biến, nhất là khi mang thai. Nguyên nhân là do một loại nấm nhỏ thuộc họ Candida. Loại nấm này tồn tại trong âm đạo của gần một phần ba số phụ nữ và chỉ trở thành bệnh nhiễm trùng khi số lượng chúng gia tăng quá nhiều, lấn át các vi sinh khác. Mức estrogen tăng trong thời kỳ mang thai khiến âm đạo của bạn sản sinh ra nhiều glycogen hơn, tạo điều kiện để nấm phát triển. Bên cạnh đó, estrogen cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nấm, khiến chúng phát triển nhanh hơn và bám vào thành âm đạo tốt hơn.
Nhiễm nấm âm đạo không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nhưng bé có thể bị lây nhiễm từ bạn khi chào đời nếu bạn sinh thường. Nấm có thể gây ra bệnh tưa miệng, còn gọi là đẹn, xuất hiện những mảng trắng trong miệng của bé. Đây là một loại viêm nhiễm phổ biến ở trẻ sơ sinh. Bệnh này không nghiêm trọng và có thể điều trị dễ dàng ở những trẻ sơ sinh khỏe mạnh.
Để được tư vấn gói dịch vụ Thai sản trọn gói tại Bệnh viện Bảo Sơn, mẹ bầu vui lòng gọi tới Tổng đài 1900 599 858 hoặc Hotline 091 585 0770 để được tư vấn miễn phí.
>>> tham khảo: siêu âm thai 2 tháng đầu